Nga nói các quốc gia từng ủng hộ tấn công tên lửa Syria đều là miễn cưỡng, LHQ lại thừa nhận “bất lực” vì khủng hoảng Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định rằng, các quốc gia từng ủng hộ cuộc tấn công vào Syria của liên minh Mỹ-Anh-Pháp đều là ủng hộ miễn cưỡng và thừa hiểu rằng đây là một biện pháp không thể chấp nhận được trong giải quyết khủng hoảng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thăm Syria |
"Ngay cả những nước bị buộc phải thốt ra những lời ủng hộ hay thấu hiểu về cuộc tấn công bất hợp pháp do Mỹ, Anh và Pháp quyết định thực hiện, cũng chỉ làm điều này trong tình trạng miễn cưỡng. Hầu hết trong số họ đều biết rõ rằng đây là một phương pháp không thể chấp nhận được để giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nhất" - Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nga cho rằng, những nhà quan sát khách quan "đều hiểu rõ rằng bằng cách này, liên minh phương Tây trong vụ tấn công Syria đã cố phá hỏng cuộc điều tra của các thanh tra thuộc Tổ chức cấm vũ khí hóa học quốc tế và phá tan những xu hướng rất tích cực đang được củng cố trên trên cơ sở giải quyết xung đột ở Syria".
Ông bày tỏ tin tưởng "sự thật sẽ tìm được đường đi cho mình".
Vị Ngoại trưởng Nga cho rằng, dù Nga mạnh mẽ phản đối liên minh Mỹ-Anh-Pháp thực hiện tấn công Syria nhưng vẫn cảnh báo thế giới cần phải chuẩn bị đối phó với việc tiếp diễn hành động khiêu khích ở Syria.
"Hiển nhiên phải chuẩn bị đón đợi thực tế tái diễn những vụ khiêu khích, mặc dù chúng tôi cảnh báo nghiêm khắc với các đồng nghiệp Mỹ và châu Âu tham dự vào trò phiêu lưu này" - ông Lavrov cảnh báo.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Nga bày tỏ mối lo ngại mà nước Nga đang quan tâm là các kế hoạch và kịch bản mà các đối tác phương Tây đang toan tính cho Syria trong tương lai.
Thực tế, việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria cho tới nay được chính LHQ thừa nhận là "bất lực".
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn phát ngày 23/4 trên kênh truyền hình SVT của Thụy Điển đã thừa nhận tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này “bất lực” trong giải quyết các vấn đề mà Syria đang phải đối mặt, đặc biệt nhắc đến khoảng cách bất đồng vô tận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong giải quyết khủng hoảng Syria.
Tổng Thư ký Guterres bày tỏ thất vọng khi cho rằng, có quá nhiều lực lượng trên thế giới đang can thiệp vào tình hình Syria và lợi ích cùng mâu thuẫn của họ đang chồng chéo bên trong cuộc khủng hoảng Syria.
“Vấn đề không phải là Liên Hợp Quốc sẽ có khả năng giải quyết vấn đề Syria... Sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng Liên Hợp Quốc sẽ hóa giải một cách thần kỳ khủng hoảng Syria, đặc biệt khi Hội đồng Bảo an chia rẽ sâu sắc về vấn đề này” - Tổng Thư ký Antonio Guterres nói trên SVT.
Chính điều này khiến cuộc khủng hoảng ở Syria kéo dài suốt 7 năm qua và vẫn chưa thấy được "tia sáng ở cuối đường hầm".
Nghiêm trọng hơn khi ông Guterres cảnh báo rằng, diễn biến tình hình xung quanh cuộc khủng hoảng Syria cho thấy “Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại”.
Cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học đã khiến căng thẳng Syria leo thang, với loạt hơn 100 tên lửa của Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào các mục tiêu tại Syria hôm 14/4.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã lên tiếng khẳng định, hành động của Mỹ và các đồng minh không giúp ích trong việc xây dựng tiến trình hòa bình Syria.
“Cuộc tấn công nhằm vào Syria không giúp gì cho các bàn đàm phán hòa bình Syria tại Astana, Sochi hay Geneva”, ông Mistura nhấn mạnh trong cuộc gặp cuối tuần qua với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cũng hoan nghênh cam kết mạnh mẽ của Nga tiếp tục thúc đẩy tiến trình chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, bất chấp vụ tấn công của Mỹ, Anh, Pháp.