Trái đất là hành tinh thứ 3 tính từ Mặt trời và cũng là hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời xét về bán kính, khối lượng và mật độ vật chất. Ngoài những gì đã biết, 5 vấn đề sau đây được xem là bí ẩn lớn mà khoa học chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.
1. Toàn bộ nước trên Trái Đất ở đâu ra?
Nước, nước có ở mọi nơi, bao phủ khoảng 70% bề mặt Trái đất, vì vậy Trái đất của chúng ta được mệnh danh là “hành tinh xanh”. Nhưng nước từ đâu ra, làm thế nào mà nó lại có ở trên Trái đất nhiều đến vậy, trong khi đó phần còn lại của hệ mặt trời hầu như lại không có? Đây là câu hỏi hiện vẫn đang tranh cãi, làm đau đầu các nhà khoa học.
Đại đa số các nhà khoa học tin rằng khi hành tinh được hình thành vào khoảng 4,5 tỷ năm về trước là hành tinh đá khô. Lý thuyết khoa học phổ biến nhất cho rằng nước xuất hiện trên Trái đất dưới dạng các tiểu hành tinh khổng lồ chứa đầy băng.
Giả thiết khác cho rằng, nước thực sự tồn tại từ khi Trái đất được hình thành, Trái đất giữ lại nước từ các đám mây khí và bụi đã tạo nên hệ mặt trời. Tất cả những giả thiết đưa ra, bất luận đúng hay sai, thì nước chắc chắn vẫn là yếu tố quan trọng tạo duy trì các dạng sống trên Trái đất.
2. Vì sao oxy lại ổn định?
Một vật chất khác được xem là hữu ích và cần thiết để duy trì sự sống trên Trái đất là oxy. Chúng ta biết rằng oxy có nguồn gốc từ khoảng 2,4 tỷ năm về trước, những sinh vật cực nhỏ gọi là cyanobacteria giải phóng oxy như một sản phẩm thải, làm đầy bầu khí quyển, nhưng những diễn biến của vài thiên niên kỷ sau thì lại ít biết hơn.
Sau đó, mức độ oxy trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng lên nhiều lần cho đến khi nó ổn định vào khoảng 540 triệu năm trước. Kể từ đó, nó vẫn duy trì ở mức độ thoáng và giúp con người hít thở được như ngày nay. Nhưng điều gì khiến oxy đột nhiên ổn định? Đây vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất về hành tinh đến nay con người vẫn chưa hiểu được.
3. Bao giờ con người dự báo được động đất?
Con người đã đầu tư khá nhiều tiền của cho công tác dự báo, như dự báo thời tiết hay dự báo dịch bệnh..., nhưng kết quả còn rất hạn chế. Riêng dự báo động đất được xem là nan giải nhất. Đối với tất cả các nghiên cứu chuyên sâu về Trái đất và cách Trái đất hoạt động, khoa học vẫn chưa tìm ra cách dự đoán chính xác về hoạt động này.
Hiện, khoa học vẫn đang cố gắng, nhưng công nghệ hiện tại vẫn chưa đưa ra những dự đoán chính xác, mặc dù động đất vẫn hiện hữu. Thậm chí, còn biết được động đất bắt đầu khi đá nứt dưới lòng đất và truyền sóng địa chấn lên bề mặt, nhưng chúng ta lại không tìm ra lý do tại sao lại xảy ra điều đó.
Một trong những lý do khiến dự báo động đất khó khăn là do con người không biết nhiều về quá trình tạo ra chúng, chuyên môn gọi là hiện tượng kiến tạo mảng (plate tectonics). Đây là các chuyển động ở quy mô lớn của thạch quyển Trái đất, bắt đầu xuất hiện cách đây hơn ba tỷ năm về trước.
4. Lõi của Trái Đất chứa những gì?
Trong khi con người khám phá thành công những địa danh xa nhất của hành tinh thì còn rất nhiều thứ về Trái đất, đặc biệt là bên trong lòng Trái đất lại chưa biết được. Lý do, môi trường bên dưới bề mặt Trái đất hoàn toàn khó thâm nhập. Chúng ta đều biết rằng lớp dưới lớp vỏ Trái đất phần lớn là đá silicat rắn. Nhưng còn “trái tim” của hành tinh là cái gì thì khoa học lại bó tay!
Trong nhiều năm, các nhà khoa học tin rằng sắt và niken tạo nên phần lõi trong cùng của Trái đất. Vào những năm 50 ở thế kỷ trước, khoa học phát hiện thấy những yếu tố nói trên là không đủ để tính toán chính xác mật độ, thành phần tâm lõi của Trái đất.
5. Mặt Trăng được hình thành như thế nào?
Các nhà khoa học không mặn mà nghiên cứu cách Trái đất phát triển thêm đối tác trong quỹ đạo của nó, đó là Mặt trăng. Nhiều người tin Mặt trăng ra đời là do va chạm giữa Trái đất đang hình thành với một nguyên hành tinh nhỏ hơn.
Tuy nhiên, các mẫu có chứa thành phần hóa học do tàu không gian Apollo của Mỹ thu thập được đã chỉ ra rằng thành phần hóa học của Mặt trăng rất giống Trái đất.
Điều này cho thấy Mặt trăng có thể không phải là một cá thể riêng biệt mà được hình thành từ một đoạn của bản thân hành tinh Trái đất. Một giả thiết khác, Mặt Trăng là một thực thể riêng biệt được kéo vào quỹ đạo Trái đất, nên giải thích có phần hợp lý, vì sao chỉ có một mặt của Mặt Trăng hướng về phía Trái đất của chúng ta.
Mặt trăng còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác như ông trăng, Hằng Nga, Thái Âm... Mặt Trăng của Trái đất được viết hoa để phân biệt với danh từ chung “mặt trăng” khi nói đến các vệ tinh tự nhiên của các hành tinh khác như “the Moon” trong tiếng Anh.
Đôi khi Mặt trăng còn được gọi theo tiếng Latin là Luna để phân biệt với các vệ tinh tự nhiên khác. Mặt trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt trời.
Khoảng cách trung bình tính từ tâm Trái đất đến Mặt trăng là 384.403 km, lớn khoảng 30 lần đường kính Trái đất. Đường kính Mặt trăng là 3.474 km, tức hơn một phần tư đường kính Trái đất. Khối lượng Mặt trăng khoảng bằng 2% khối lượng Trái đất và lực hấp dẫn tại bề mặt Mặt trăng bằng 17% lực hấp dẫn trên bề mặt Trái đất.