Thiền định không còn là phương pháp của riêng các thiền sư mà ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống, ai ai cũng có thể thực hành. Tuy nhiên, cùng với đó là sự xuất hiện của những trường hợp tổn hại sức khỏe cả thể chất và tinh thần do thiền. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Master Lê Thái Bình - người sáng lập phương pháp Thiền Việt - giám đốc Trung tâm dưỡng sinh Thiền Việt, Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, về vấn đề này.
Ảnh minh họa |
Xin chào ông Lê Thái Bình. Thiền định đang dần trở thành một phần trong cuộc sống của nhiều người. Không chỉ thành 1 phương pháp rèn luyện sức khỏe, rất nhiều các khóa học cũng ứng dụng thiền như một cách thư giãn, giảm căng thẳng giữa các giờ học... Là một người có hơn 15 năm kinh nghiệm, ông nhìn nhận về Thiền như thế nào?
Trước hết, tôi khẳng định Thiền không phải là sự tu hành. Thiền là một bộ môn dưỡng sinh có từ thời cổ xưa, theo dòng chảy của Thiền thì có rất nhiều trường phái Thiền ra đời trong đó có Thiền Phật Giáo.
Phật giáo nguyên thuỷ có nhiều giới luật cho đệ tử của Phật, Thiền Phật Giáo bao gồm sự tu hành khổ hạnh như không phạm sát giới, ăn chay... Trải qua thời gian nhiều người lầm tưởng cho rằng Thiền là của Phật giáo và gắn với sự tu hành.
Sự thực là Thiền đã phát triển rộng khắp ở các nước Âu - Mỹ tân tiến, trở thành bộ môn dưỡng sinh lành mạnh dành cho tất cả mọi người.
Vậy bản chất của thiền nên được hiểu đúng như thế nào?
Bản chất của thiền, đơn giản là làm cho chúng ta loại bỏ áp lực, suy nghĩ, buông bỏ những tạp niệm, giúp chúng ta tập trung hơn và não bộ được nghỉ ngơi.
Thiền giúp chúng ta nhìn thấu mọi sự và sáng suốt hơn chứ không khiến con người thay đổi tâm tính. Thiền là bộ môn khoa học đã được y học minh chứng mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Không chỉ tốt cho tinh thần, thiền còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh hiện nay. Thiền đặc biệt tốt cho những người phải hoạt động trí não nhiều như doanh nhân, dân trí thức văn phòng, và cả những người đang gặp vấn đề về sức khỏe thể chất nữa.
Thiền là một liệu pháp y học bổ sung đã được công nhận trong giới y khoa bởi khả năng hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh phức tạp. Ở Việt Nam và trên thế giới, Thiền được sử dụng như liệu pháp tâm lý cho các căn bệnh stress, trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Không chỉ vậy, Thiền còn giúp các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có một tinh thần lạc quan, gia tăng hệ miễn dịch tự nhiên cho cơ thể người bệnh, từ đó giúp cơ thể chiến đấu chống lại bệnh tật.
Khi thiền đúng cách, cơ thể sẽ hấp thụ các nguồn năng lượng của vũ trụ, ngoài nguồn năng lượng duy nhất là ăn uống mà bình thường chúng ta vẫn tiếp nhận.
Ông vừa nhắc đến hấp thu các nguồn năng lượng của vũ trụ, vậy phải chăng người thiền định không cần ăn?
Về lý thuyết là có thể ngồi thiền nhiều ngày, chỉ cần uống nước. Tuy nhiên, không có chuyện ngồi thiền triền miên mà chỉ vài tiếng, còn lại là nghỉ ngơi, đi lại, trò chuyện…
Tùy thể trạng, có người có thể nhịn tới 10 ngày, chỉ uống, ăn nhẹ các thức ăn đặc biệt để đào thải độc tố…. Nó giống như người không ăn thịt cá, chỉ ăn rau củ quả, ngũ cốc, sau một thời gian sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, việc giảm ăn cần được luyện tập. Quan trọng hơn, việc thiền định cần được hướng dẫn từ những người có chuyên môn.
Ai cũng hiểu cách chúng ta lấy năng lượng từ thực phẩm nhưng lấy năng lượng từ vũ trụ như ông sẽ qua con đường nào? Phải chăng là khai mở “luân xa” như lâu nay chúng ta vẫn quan niệm?
Thiền sư hàng tháng trời không ăn là do họ biết cách tiếp nhận nguồn năng lượng từ vũ trụ thay thế cho năng lượng từ thực phẩm thông qua các trung tâm năng lượng trên cơ thể người hay người xưa còn gọi là các luân xa (Tiếng Hán Việt là bánh xe quay). Tuy nhiên ko phải trường phái nào cũng làm được như vậy.
Nhiều người quan niệm sai về thiền là mang hình thức tôn giáo, màu sắc tín ngưỡng, không có kiến giải rõ ràng về mở luân xa nên dẫn tới thiền sai phương pháp hoặc có thể dẫn tới "tẩu hỏa nhập ma".
“Tẩu hỏa nhập ma”, một dạng thức mà trong quan niệm của nhiều người là “hư nhiều hơn thực”. Điều này có đúng không?
Tẩu hỏa nhập ma chỉ là 1 thuật ngữ dân gian, ám chỉ bệnh lý liên quan đến trường hợp tập luyện 1 bộ môn nào đó sai phương pháp ví dụ như thiền, khí công, yoga … có thể tác động đến tinh thần trí não hoặc những năng lượng tiêu cực, suy nghĩ sang chấn mà kiểm tra thể chất tây y không ra bệnh nhưng đông y gọi là khu tà, trúng gió….
Y học hiện đại gọi “tẩu hỏa nhập ma” là dạng tâm thần phân liệt nhưng thực ra “tẩu hỏa nhập ma” có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn nhiều, không chỉ là tinh thần mà cả về thể chất.
Sở dĩ có hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma” khi thiền là vì người dạy không hiểu rõ, ko nắm bắt rõ trường phái, mở một cách vô tội vạ, mở không hiểu biết nên năng lượng xấu tác động đến cơ thể.
Trên cơ thể chỉ có 1 số trung tâm năng lượng nhận năng lượng xấu, khi không biết, mở cả những trung tâm nhận năng lượng xấu, dẫn tới năng lượng xấu xâm nhập.
Giống như bạn đang ở trong môi trường kín, mở cửa gặp gió lùa; hay đang ở trong điều hòa 20 độ C, mở cửa tiếp xúc ngay với cái nóng 38-39 độ.
Cái gì khiến cơ thể thay đổi đột ngột thường là không tốt.
Chúng ta có thể nhận biết tình trạng “tẩu hỏa nhập ma” của chính mình khi ngồi thiền hay từ những người xung quanh không?
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp và khóa Thiền đầu tiên tôi tổ chức quá nửa là những người trước khi tham gia đã có hiện tượng này.
Khi tìm hiểu các trường phái khác, người ta đang bình thường, mở "luân xa" như vậy thì có hiện tượng rất mệt. Họ có thể sợ lạnh, đau đầu, đau tứ chi, xương khớp… nhưng đi khám không ra bệnh.
Về tinh thần, họ có thể không kiểm soát được tâm lý, suy nghĩ, nói nhảm, tự huyễn hoặc, có khả năng đặc biệt, nghe thấy những tiếng nói, hình ảnh vô hình….
Với những trường hợp này, chỉ cần được hướng dẫn thiền đúng cách, đẩy các năng lượng xấu và đóng các luân xa là có thể khỏi.
Chữa khỏi được hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma” hẳn là tin vui với những người đang lo ngại khi muốn theo đuổi phương pháp này. Tuy nhiên, phòng hơn chữa, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình?
Theo tôi, không nên tự học thiền mà nên tìm những trường phái thiền có hệ thống lý luận rõ ràng.
Mục đích của Thiền là tốt cho sức khỏe, tâm thể trí chứ không phải là tâm linh, thần thông…
Ngoài nhận năng lượng tích cực do Thiền mang lại, chúng ta vẫn cần sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, điều độ một cách khoa học để Thiền có thể phát huy tối đa tác dụng của nó.
Cuối cùng, hiệu quả của Thiền còn phụ thuộc vào sự chăm chỉ và kiên trì tập luyện của mỗi người.