“Bố mẹ ly hôn lúc em mới 2 tháng tuổi trong bụng mẹ. Anh trai sống với bố. Còn em ở với mẹ. Sau đó hơn 2 năm, mẹ cũng đi bước nữa, em ở lại với bà ngoại. Tuổi thơ của em đầy nước mắt vì nhớ mẹ, suốt ngày phải đi chăn trâu, cắt cỏ cho các dì” - Nguyễn Thị Liên, quê ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam nghẹn ngào nhớ lại.
Ảnh minh họa |
Tuổi thơ lam lũ
Ngồi trong căn nhà nhỏ ở con phố huyện, Liên ôm con nhỏ mới 6 tháng tuổi vào lòng cho bú mẹ. Chồng cô đang đi làm thợ điện, còn bé gái lớn hơn 2 tuổi đã đi gửi mẫu giáo. Cứ ngỡ như hạnh phúc đang tràn ngập trong mái ấm nhỏ này, nhưng khi nhắc đến bố mẹ mình, ánh buồn trên gương mặt Liên bỗng rủ xuống rất nhanh: “Tuổi thơ của em buồn lắm, vì bố mẹ bỏ nhau lúc em còn trong bụng mẹ.
Hơn 2 tuổi, mẹ em đi bước nữa. Em chỉ nhớ mang máng hôm đó mẹ mặc quần áo đẹp, rất nhiều người đến đón mẹ đi. Từ đó, mẹ thi thoảng mới về thăm em một lần. Lần nào mẹ cũng khóc, nhưng mẹ vẫn phải đi. Em nghe bà ngoại nói nhà mẹ ở xa, cách đến cả trăm cây số, nên mẹ rất khó về...”. “Em đi học mà vẫn phải mang theo cái rổ để lúc về còn ra đồng lấy rau cho lợn giúp bà. Những ngày lễ ở trường, các bạn đều có bố mẹ đến, nhưng em chỉ có bà ngoại.
Em cứ ước, chỉ một lần thôi, mẹ đến trường của em, để em được khoe mẹ với các bạn, nhưng không bao giờ mẹ đến”, Liên nghẹn ngào nhớ lại. Nỗi buồn về ký ức tuổi thơ, nỗi ám ảnh vì nhớ mẹ cứ đeo đẳng, giày vò Liên suốt những năm tháng ở tuổi thần tiên của mình. Mỗi lần mẹ về thăm, Liên cứ cố ôm mẹ thật lâu, thật chặt, hít hà mùi mồ hôi ngai ngái của mẹ, để khi mẹ đi rồi, Liên vẫn có cảm giác lâng lâng đến mấy ngày sau.
Hồi Liên học lớp 6, anh họ bảo: “Mày suốt ngày ủ rũ thế, nói chuyện nhiều cho đỡ nhớ mẹ. Giờ mày khổ, mai này sẽ sướng em ạ”. Liên cũng chưa biết sướng là thế nào. Vì số mẹ “hồng nhan bạc phận”. Mẹ xinh nhất xã, nhưng cuộc đời lại chẳng ra gì. Khi Liên học lớp 7, mẹ lại ôm cả 3 em bỏ về với 2 bà cháu Liên.
Nỗi nhớ mẹ từ đó cũng được xóa nhòa, nhưng thay vào đó là sự vất vả, vật lộn với gia đình của bà, của mẹ và một người chị cả như Liên cũng tăng gấp nhiều lần. Thời gian đi học của Liên cũng thật khó khăn, mẹ đi chạy chợ khắp nơi để có tiền đóng học cho Liên và nuôi 3 em nhỏ.
Liên muốn bỏ học khi hết cấp 2, nhưng họ hàng nhà ngoại đã xúm vào góp tiền cho Liên học tiếp cấp 3. Học hết cấp 3, Liên lại được học tiếp trung cấp sư phạm. Có lẽ sự may mắn cho Liên bắt đầu đến là vậy. Được người họ hàng giúp đỡ, Liên đã có việc làm ở trường tiểu học gần nhà.
Rồi cô lại được trường cử đi học cao đẳng. Liên chẳng dám yêu ai, chỉ lo học và đi làm thêm, đóng tiền học và còn bao nhiêu gửi về đỡ mẹ nuôi các em. “Lúc đó, em chỉ nghĩ cố học, có nghề ổn định, thì mới nuôi được bản thân và giúp mẹ, không khổ như mẹ là được”, Liên chia sẻ.
Hạnh phúc rồi sẽ đến
Khi Liên học xong, cô về huyện nhà dạy học, tình duyên cũng đến bất ngờ. Cô cũng lưỡng lự mãi mới dám nhận lời yêu và lấy chồng. Người đàn ông cùng địa phương, cũng học trung cấp nghề rồi đi làm thợ điện. Lương cũng ổn định, dù không cao. Nhưng đường con cái của vợ chồng Liên đúng là chật vật.
Sinh ra trong nghèo khổ, lam lũ nên Liên rất hay thương những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài giờ đi làm, Liên cũng hay đi chùa, giúp các cụ già neo đơn ở địa phương trong và ngoài tỉnh. Chuyện con cái khó khăn, Liên cũng phải đi cầu khắp nơi. Sau gần 3 năm lấy chồng, cô cũng có bầu đứa con đầu. Và chỉ 2 năm sau đó, Liên sinh con thứ 2 trong sự bất ngờ.
Vì sau khi sinh con đầu, đi khám, bác sĩ nói muốn có con thứ 2 vẫn khó, vì tinh trùng của chồng yếu. Còn phải có kế hoạch để sinh thêm con, bác sĩ đã có lịch hẹn anh đến kiểm tra sức khoẻ ở khoa Nam học hiếm muộn. Thế nhưng thật bất ngờ, Liên đã có thai tự nhiên lần 2. Hôm đó, chồng cô biết đã thức trắng đêm để chờ trời sáng, anh đi mua que cho vợ thử thai lại, nhìn 2 vạch đỏ rõ, anh vẫn không tin, lại đưa vợ đi bác sĩ siêu âm kiểm tra. Vậy là hạnh phúc cứ thế nhân lên.
Ngoài giờ đi làm, anh về nhà chăm vợ con rất tỉ mỉ, chu đáo. Hầu như trong nhà có việc gì làm được, anh đều giành lấy. Từ chăm con, giặt tã, quần áo, đến việc tưới rau, làm vườn. Anh bảo: “Anh chỉ mong sao có thể chia bớt nỗi vất vả cho vợ con, bù đắp được những thiệt thòi của vợ”.
Hỏi những mong muốn của Liên bây giờ, Liên trầm tư vài phút rồi bảo: “Em chỉ cầu mong cuộc sống an yên mãi. Các cặp vợ chồng đã xác định đến với nhau, sinh con rồi thì cùng nhau chăm con khôn lớn, đừng để vì cá nhân, ích kỷ trong mỗi người mà phải bỏ nhau, con cái thiếu cha, thiếu mẹ... Như em chưa bao giờ biết mặt bố, dù chỉ 1 lần.
Những nỗi buồn đó chẳng có gì xóa nổi trong tâm thức mỗi đứa trẻ có mái ấm không lành lặn như mấy chị em em” - Dẫu hạnh phúc với gia đình hiện tại, nhưng câu nói của Liên vẫn cho thấy trong sâu thẳm tâm hồn cô, “vết sẹo” mồ côi cha mẹ trong suốt tuổi thơ vẫn không thể xóa nhòa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét